NGUYÊN NHÂN BÉ BỊ HĂM VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Hăm tã là tình trạng thường gặp đối với trẻ sơ sinh. Hăm tã tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng hăm tã gây ra nhiều tác động không mong muốn ở trẻ như khó chịu, biếng ăn, cáu gắt, khóc đêm, sụt cân…

Vậy nguyên nhân gây hăm tã cho trẻ sơ sinh là gì ?
Da của trẻ sơ sinh, trẻ dưới 12 tháng tuổi rất mỏng và nhạy cảm. Việc mặc tã thường xuyên hoặc bé bị tiêu chảy kéo dài khiến da phải tiếp xúc thường xuyên với phân và nước tiểu gây kích ứng da và hăm tã. Hăm tã cũng có thể diễn ra khi mẹ thay loại bỉm tã mới cho bé mà không hợp cơ địa, hoặc mẹ dùng khăn ướt có chất tẩy để vệ sinh cho con, mẹ thường xuyên dùng chất làm mềm vải, xà bông giàu chất tẩy rửa để giặt đồ cho con cũng có thể là nguyên nhân gây kích thích làn da mỏng manh của bé.

Da bé cũng sẽ bị tổn thương nếu mẹ mặc đồ cho bé quá chật, quần áo làm từ chất liệu vải cứng sẽ cọ xát vào da thịt khiến bé bị hăm ở các vùng bẹn, lưng quần… Đối với những bé bị tiêu chảy cũng có thể bị hăm do đi ngoài, trẻ phải dùng kháng sinh làm mất sự cân bằng vi khuẩn trên da gây ra hăm tã.

Một nguyên nhân hay gặp nữa là do lạm dụng phấn rôm. Nhiều mẹ rất thích thoa một lượt phấn rôm cho bé sau khi bé tắm xong. Cảm giác bé thơm tho, mát mẻ khiến mẹ lầm tưởng rằng phấn rôm có thể làm mát da mát thịt, chống rôm sẩy và chống hăm. Thực chất phấn rôm dễ làm bít tắc lỗ chân lông, gây khó khăn cho việc thoát ẩm của da và khiến hăm da xuất hiện.

Cách phòng tránh hăm ở trẻ nhỏ:
Muốn bảo vệ an toàn cho làn da bé, việc cần thiết nhất là bố mẹ chủ động tạo lớp màng bảo vệ ngăn không cho da bé tiếp xúc với các tác nhân kích ứng, giúp bé nhẹ nhàng tránh xa chứng hăm tã

Thay tã thường xuyên: Nếu bố mẹ cho bé mặc tã nhưng không thay tã thường xuyên, làn da nhạy cảm của bé sẽ tiếp xúc lâu hơn với các enzyme trong chất thải lưu trú trong tã của chính bé, gây kích ứng cho bề mặt da, từ đó dễ dàng dẫn đến chứng hăm tã. Vì vậy bố mẹ nên thay tã thường xuyên cho bé.

Vệ sinh sạch sẽ mỗi lần thay tã: Sau mỗi lần thay tã, bố mẹ nhớ vệ sinh cho bé sạch sẽ, lau khô toàn bộ cơ thể bé. Điều này sẽ giúp bé tránh được việc tiếp xúc với các chất thải bám từ tã lên làn da non nớt.

Sử dụng các sản phẩm phòng và trị hăm hữu cơ cho bé: Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trị hăm: dạng gel, dạng kem, dạng mỡ, dạng nước….Tuy nhiên, các mẹ nên sử dụng dung dịch vệ sinh phòng và trị hăm hoặc sử dụng các sản phẩm dạng kem, dạng mỡ giúp tạo thành các lớp màng bảo vệ da bé chống lại các tác nhân gây kích ứng da.

Bảo vệ da bé từ quần áo: Khi bé bị hăm tã, các bà mẹ nên chú ý đến các loại nước xả đang dùng để xả quần áo cho bé. Vì làn da sơ sinh non yếu, dễ kích ứng với các thành phần hóa chất trong nước xả. Các bà mẹ nên chọn những sản phẩm có công thức tẩy giặt lành tính và dịu nhẹ, an toàn, các sản phẩm dành riêng cho bé để có thể hạn chế tối da kích ứng ở trẻ nhỏ.

Trong những trường hợp bé bị kích ứng da nặng, tấy đỏ, bố mẹ có thể tạm ngưng ngâm quần áo với các loại nước xả khi giặt quần áo, khăn sữa, khăn tắm… của bé. Ngoài ra, quần áo của bố mẹ cũng nên tạm ngưng ngâm nước xả trong một thời gian ngắn để bảo đảm sự an toàn cho da bé, vì khi bố mẹ mặc quần áo có ngâm nước xả vải ẵm bé, da của bé tiếp xúc với quần áo của bố mẹ cũng làm cho da bé dễ bị kích ứng hơn.
LƯU Ý: Các mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với da bé và nhớ kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện khi tã lót của bé ướt.

Chia sẻ:

Viết Bình luận