Dầu hoả và chất dẻo tổng hợp trong kem dưỡng của tôi, nên hay không nên?

Hãy cùng nghe ý kiến của chuyên gia trị liệu hương thơm hàng đầu của Pháp và Bỉ , Julien Kaibeck về chủ đề này nên hay không nên dầu hoả và chất dẻo tổng hợp trong kem dưỡng
 
Hiện nay hơn 80% các loại mỹ phẩm được bày bán trên thị trường có chứa đựng các nguyên liệu từ ngành hoá dầu hay nguyên liệu tổng hợp khác. Đó là những thành phần gì? Kể ra thì nhiều lắm, nhiều nhất phải nói đến các chất khoáng dầu (sản phẩm phụ từ ngành hoá dầu), silicone (chất tổng hợp) hay chất dẻo polymer (sản phẩm phụ từ nhựa plastic). Làm sao để nhận biết được các thành phần này trong danh sách INCI (International Nomenclature of Cosmetic Ingredients Name) được liệt kê trên bao bì mỹ phẩm?
Hãy cùng tôi giải mã và trở thành chuyên gia mỹ phẩm organic nhé.
 
Các chất dầu khoáng
Đây là các chất trơ được lấy ra từ quá trình chưng cất các loại than đá, dầu mỏ hoặc đá phiến. Chúng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp như chất bôi trơn động cơ. Chúng cũng có thể được chiết ra từ quá trình lọc dầu. Bạn có thể tưởng tượng là mình đang thoa lên mặt những chất này không?
Tất nhiên, để được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm thì các chất dầu khoáng này cũng đã phải qua xử lý và đạt được tính cố định, không màu và không mùi vi. Các chuyên gia mỹ phẩm biết quá rõ về chúng. Bạn sẽ thường thấy nhũng thành phần này dưới các tên như paraffine liquidum, petrolatum, cera microcristallina, mineral oil… hiện diện trong các mỹ phẩm của những nhãn hàng nổi tiếng như Nivea, l'Oréal, Clinique, Biotherm, Chanel, Vichy, Dove, Yves Rocher, Garnier… và ngay cả các sản phẩm chuyên dùng cho trẻ em như Johnson's & Johnson's.
Tại sao lại sử dụng các thành phần này trong mỹ phẩm? Đơn giản vì chúng rất rẻ tiền, có tính ổn định nên dễ dàng pha trộn hơn.
Nhưng sử dụng dầu khoáng cũng có nhiều mặt trái của nó. Vì là một sản phẩm phụ từ ngành hoá dầu nên dầu khoáng gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa nó là một chất trơ, không thật sự có công dụng nuôi dưỡng da ngoài việc tạo một lớp màng mỏng phủ lên da khiến ta có cảm giác da láng mịn và nghĩ rằng đó là do da được cung cấp các dưỡng chất tốt.
 
Các loại silicone
Silicone là chất vô cơ được tổng hợp từ phản ứng giữa silicium với oxi. Chúng ta thường thấy nhiều ứng dụng của silicone trong đời sống hằng ngày như túi ngực giả, đồ gia dụng bàn ghế… và đặc biệt trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, ví dụ như dầu gội đầu, dầu xả, phấn nền hay mỹ phẩm trang điểm.
Silicone đóng vai trò như một chất tạo cảm giác láng mềm, dễ dàng sử dụng, tính chất ổn định. Nhưng cũng giống như dầu khoáng, silicone không dễ dàng phân huỷ sinh học, không phải là một hoạt chất có khả năng cung cấp dưỡng chất cho da như mọi người nghĩ.
Silicone xuất hiện trong danh sách INCI dưới các tên đuôi là -one hay -ane (dimethicone, cyclohexasiloxane...). Các thương hiệu nổi tiếng như Dior, Clarins hay Lierac, l'Oréal, Uriag… đều có chứa các thành phần này.
 
Các chất dẻo polymer tổng hợp
Đa phần các loại mỹ phẩm trang điểm công nghiệp đều chứa chất dẻo polymer. Chúng có tính chất giống như silicone, khiến người sử dụng có cảm giác mềm mại như nhung. Chúng cũng thường được sử dụng như một chất nhũ hoá.
 
Polymer được ghi trên bao bì sản phẩm dưới các tên như PEG (polyethylene glycol) hay PPG (polypropylene glycol), -cellulose, crosspolymer… Danh sách một vài nhãn hiệu có chứa polymer : Gilette, Mustela, Nivea, Eucerin, Vichy…
 
Kết luận của tôi : Bạn nên cẩn thận khi mua mỹ phẩm công nghiệp, cố gắng đọc và giải mã các thành phần trên danh sách INCI. Hoặc tốt hơn nữa, bạn có thể mua sản phẩm có chứng nhận hữu cơ vì chúng bảo đảm không chứa các thành phần nêu trên.
 
Nguồn trích dẫn : http://www.lessentieldejulien.com/2012/09/du-petrole-et-du-plastique-dans-ma-creme-de-jour/
Chia sẻ:

Viết Bình luận